Sau khi công xưởng biến thành tro vì hỏa hoạn, tôi xin được giấy phép xây dựng lại công xưởng tại phường Ahuyn, tuy nhiên điều kiện quá khắt khe. Thế là tôi quyết định không xây dựng tại Ahuyn nữa mà đưa công nhân đến chỗ đất trống phía sau phường Sinsol.
Ở đó, chúng tôi dựng một nhà máy nhỏ, thực chất là một căn lều và rồi nhận sửa chữa xe mà chẳng có giấy phép. Tôi phải mất nhiều công sức mới khiến đồn cảnh sát gần đó cho qua để làm việc, nhưng chưa qua được đồn cảnh sát quận Dongdeamun. Ngày nào tôi cũng nhận được công văn cảnh cáo của họ nói rằng nếu không dỡ bỏ nhà máy tôi sẽ bị bắt giam.
Có chết cũng khômg thể đóng cửa nhà máy. Phải giải quyết tờ cảnh cáo này. Những lúc khó khăn như thế tôi lại nhớ đến câu chuyện về con rệp. Con rệp nỗ lực hết sức mà cũng thành công, chẳng lẽ mình không làm được ư… Tôi đã từng tận mắt chứng kiến nỗ lực đáng khâm phục của loài rệp.
Ngày xưa, ở cả thành thị và nông thôn, rệp nhiều vô kể. Hồi còn làm lao động ở bến cảng Inchon, tôi đã ở trọ một nơi đúng là thiên đường cho rệp trú ngụ. Rệp nhiều đến mức không thể ngủ được dù rằng cơ thể rã rời sau một ngày làm việc nặng nhọc.
Một hôm, chúng tôi nghĩ ra cách leo lên bàn ăn ngủ để tránh rệp, nhưng chưa được bao lâu thì rệp lại kéo nhau leo theo chân bàn lên cắn người. Chúng tôi lại tìm cách khác, lấy mấy cái bát đổ đầy nước vào rồi kê vào bốn chân bàn, rệp tèo lên cũng rơi vào bát nước mà chết đuối. Thế nhưng cũng chỉ ngủ yên được một, hai ngày, rệp ở đâu lại bắt đầu xuất hiện và cắn chúng tôi.
Vừa bực mình vừa ngạc nhiên, chúng tôi bật đèn tìm hiểu xem lũ rệp bằng cách nào mà có thể tránh được bát nước. Hay là chúng leo lên tường, rồi lên trần nhà và tìm chỗ có người để rơi xuống?
Đúng vậy, lũ rệp đã vượt qua trở ngại là bát nước, toàn tâm toàn lực cố gắng và đạt được mục tiêu mình muốn, còn tôi không phải là người ư? Tôi quyết định sáng nào cũng đến nhà trưởng phòng bảo an Condo của đồn cảnh sát Dongdeamun và trình bày hoàn cảnh cho đến khi giải quyết được vấn đề mới thôi.
Sáng hôm thứ nhất, tôi mua một hộp bánh mang đến nhưng ông ta không hề lay chuyển và từ chối không nhận cả hộp bánh. Tôi cầm hộp bánh đi về, vừa giận vừa lo lắng cho tương lai nên đã vứt cái hộp bánh vào thùng rác nhà ông ta.
Ngày thứ hai tôi đến tay không và cũng bị từ chối. Suốt một tháng trời, sáng nào tôi cũng đến nhà ông ta, đúng giờ ấy, đúng một hoàn cảnh ấy lặp đi lặp lại.
Và cuối cùng thì ông ta đầu hàng. “Tôi thua rồi, lẽ ra tôi phải bắt anh ngay, nhưng làm sao có thể bắt được người mà sáng nào cũng đến trước cửa nhà mình? Anh không làm việc gì xấu nhưng làm không đúng luật, có làm trái luật thì anh cũng phải nghĩ cho thể diện của cảnh sát với chứ”. Ông ta nói tôi phải làm cái bờ rào chắn phía ngoài đường không cho người ta nhìn thấy, rồi nấp sau cái bờ tường ấy mà làm.
Thế là thành công rồi.
Càng ngày công xưởng của tôi càng nhiều việc, đến nỗi gần như phải làm cả đêm. Thưở ấy, ở Seoul những công xưởng sửa chữa ô tô như Kyongsong Service ở phường Uljiro bây giờ, Kyongsong Industry ở ngã tư phường Hiehwa, xưởng sửa chữa ô tô ở Iljin ở Chongro… đều là những xưởng sửa chữa xe ô tô có quy mô tương đối lớn. Những xưởng này luôn biến những hỏng hóc nhỏ thành lớn rồi kéo dài thời gian và lấy thêm tiền của khách hàng.
Còn tôi thì làm ngược lại. Máy hỏng cần sửa tới 10 ngày thì tôi chỉ sửa trong 4 ngày, thay vào đó tôi yêu cầu tiền sửa chữa nhiều hơn. Những người có xe ô tô thường xem nó như đôi chân của mình nên điều mà họ quan tâm là xe có được sửa nhanh hay không chứ không phải là chuyện tiền nong. Thế nên, xe hư của cả thành phố Seoul đều dồn về phường Sinsol.
Tôi mở rộng thêm mặt bằng, tìm thêm khách hàng và ngoài việc nhận tiền sửa chữa ra, hầu như lúc nào tôi cũng làm việc giống hệt như anh chị em công nhân. Mọi việc từ tháo máy, tháo xe ra sửa, tra dầu, lắp lại máy tôi đều làm không từ nan. Từ đó, tôi hiểu và nắm bắt một cách hoàn thiện về nguyên lý của tất cả các loại máy cũng như cấu tạo của máy móc xe.
Từ khi ông trưởng phòng bảo an của đồn cảnh sát quận chấp nhận thua tôi trở đi thì tôi không bị ai quấy rầy nữa. Tôi học thêm được một bài học quý giá nữa từ những con rệp. Con người khi rơi vào cảnh khốn cùng thường hay nói những lồ tuyệt vọng như “không còn con đường nào khác” hoặc “không còn cách nào khác”. Nhưng thật ra không phải vậy. Vì không tìm kiếm nên mới không thấy có đường khác mà thôi. Vì không nỗ lực tối đa như những con rệp nên không thể tìm thấy phương pháp nào khác.
Con người thỉnh thoảng vẫn cho người nào đó là may mắn khi làm việc gì thành công, còn khi mình làm việc gì không suôn sẻ thì lại cho rằng mình không may. Nhưng tôi nghĩ rằng một người không tin là có vận xấu thì người đó sẽ không có vận xấu. Tất nhiên là cũng có những điều xảy ra giống như số vận. Nếu nói là có những lúc thuận buồm xuôi gió thì chắc chắn cũng có những khi vất vả, cực nhọc. Cũng như đối nghịch với ánh sáng là bóng tối, trời có lúc nắng lúc mưa, có ngày may mắn và có ngày gặp tai ương. Tôi nghĩ mọi thứ đều quân bình, vận may hay rủi đều đến với mọi người như nhau.
Mà vận số là gì nhỉ? Nó chính là cái mà nhiều người vẫn gọi là “thời” hay “lúc thuận lợi”. Khi cơ hội tốt lên, ta không bỏ lỡ và nắm lấy nó để phát triển thì gọi là “gặp thời”, nhưng còn lúc “không gặp thời”, mọi chuyện không may xảy đến, nếu ta chiến đấu vớ nó bằng cả nỗ lực thì có khi nó lại thành dịp may. Và việc cho rằng số phận con người được quyết định bởi thời điểm sinh ra thật là buồn cười. Chính nỗ lực của chúng ta trong cuộc sống mới quyết định đến việc thành công hay thất bại mà thôi. Nỗ lực đó thể hiện ở chỗ gặp dịp tốt không bỏ lỡ và gặp lúc khó khăn thì không xem đó là rủi mà cố gắng vượt qua để tiến bước.
Người lười nhác hay đổ lỗi cho số phận, đến khi gặp cơ hội cũng do lười nhác mà để cơ hội trôi qua, để rồi sống mà suốt đời chẳng có một chút may mắn nào. Với tôi, mỗi khi gặp việc gì khó khăn, tôi lại nhớ đến bài học về sự nỗ lực của con rệp. Nhìn thấy những người gặp khó khăn chẳng đáng là bao mà đã thất vọng và thu mình lại, chẳng hiểu sao tôi cứ nghĩ “người mà cũng không bằng con rệp”.
Sau ba năm làm việc ngày đêm, tôi đã kiếm được món tiền lớn. Tôi trả hết cả vốn lẫn lãi cho ông Oh, giữ được uy tín của mình và ông ta cũng duy trì được cái kỷ lục cả đời cho người vay tiền mà chưa bao giờ bị quỵt.
Năm 1941, Nhật gây chiến ở khu vực Thái Bình Dương và ngay năm sau đó ra lệnh chỉnh đốn lại các doanh nghiệp. Đầu năm 1943, chúng tôi bị buộc sáp nhập vào công ty sửa chữa Iljin ở Chongro. Gọi là sáp nhập nhưng thực tế là bị gom vào trong đó. Anh Lee Ul Hak, rồi Kim Myong Huyn, những người cùng làm với tôi ra đi trước và cuối cùng tôi cũng rút chân khỏi đây vì không còn chút ý muốn dồn tâm sức cho cái doanh nghiệp hợp tác này nữa.
Chẳng bao lâu sau, tình cờ tôi có dịp sửa xe cho trưởng chi nhánh của Holdong KumKwang, người cùng học cấp 1 với tôi ngày xưa. Và tôi đã ký được hợp đồng vận chuyển trọn gói với công ty trách nhiệm hữu hạn khoáng sản Bokwang, giám đốc công ty này khi đó là con trai của Thống đốc Ngân hàng Siksan. Công việc của chúng tôi là vận chuyển quặng ở quận Suan thuộc đảo Hwanghe tới trại luyện mỏ ở Piongnam. Tôi đặt cọc bảo lãnh 30.000 won, sau đó mua 10 cái xe cũ và 10 cái xe tải mới, giao trách nhiệm phụ trách trang thiết bị cho Kim Yong Ju, một người thợ đầy kinh nghiệm, có thể nghe tiếng xe là biết xe hư ở đâu và hư với mức độ nào.
Đường núi dài hơn 130 kilomet rất khó đi nên xe thường hư hỏng, và thỉnh thoảng đất khoáng lại đổ xuống đường, chúng tôi đã vất vả, lại thêm anh chàng trưởng chi nhánh hay cáu kỉnh khiến tôi cảm thấy bực mình muốn cãi lại, nhưng tôi cố nín chịu. Không có anh ta thì tôi đã không biết đến công việc này. Sau này tôi mới biết anh ta muốn đưa một người quen vào làm công việc này nên cố tình gây khó khăn cho chúng tôi.
Vào một ngày trong tháng Năm năm 1945, sau ba năm chịu đựng hết mức, tôi nhượng lại hợp đồng cho anh ta với điều kiện anh ta phải tiếp nhận xe tải của tôi. Sau đó, tôi cầm hơn 50.000 won rời khỏi mỏ quặng Holdong với gia đình.
Ba tháng sau thì quân Nhật Bản bại trận, Hàn Quốc được giải phóng vào ngày 15 tháng 8 năm 1945. Mỏ khoáng sản Holdong phải đóng cửa, những người Nhật làm việc tại đó cũng bị bắt làm tù binh và bị đưa về Siberia. Đúng là chuyển họa thành phúc. Chỉ cần ở đấy thêm 3 tháng nữa thì số tiền hơn 50.000 won tôi kiếm được trong thời gian qua tan thành mấy khói và biết đâu tôi cũng bị bắt đi Siberia.
Một tháng sau khi Hàn Quốc dành được độc lập, tôi quay trở lại Seoul, xin vào làm việc tại xưởng chế luyện Choksan và chờ đợi thời cơ thành lập một doanh nghiệp của mình. Seoul sau ngày giải phóng thật lộn xộn. Rất nhiều đoàn thể xã hội ra tuyên bố yêu cầu hoàn toàn độc lập tự chủ. Thừa lúc chính phủ lâm thời còn chưa định hình, Mỹ cho quân vào đóng trong nước. Đất đai bị tịch thu từ thời Nhật thống trị được phân chia lại, việc cho vay nặng lãi và cho vay có thế chấp đều bị cấm. Giá cả hàng sinh hoạt được khống chế, thực hiện theo chế độ phân phối.
Tôi mua mảnh đất số 106 ở phường Chochung và treo tấm bảng “Công ty Công nghiệp xe hơi Hyundai” vào tháng Tư năm 1946. Cùng với Kim Yong Ju, khi đó đã là em rể tôi, một người bạn cùng làm mỏ ở Holdong và người bạn cùng quê Oh In Bo, chúng tôi khai trương công xưởng sửa chữa xe ô tô.
Đó là lần đầu tiên tôi sử dụng thương hiệu Hyundai ( có nghĩa là Hiện đại ). Mặc dù là người ít học nhưng chí hướng của tôi là tiến lên và sống một cuộc sống phát triển trong tương lai. Lúc đầu, chúng tôi đến Cục khí tài của quân đội Mỹ, nhận làm cơ sở thầu phụ những công việc như tháo dỡ, lắp ráp các máy móc họ muốn đổi, được khoảng một năm thì chúng tôi cải tạo tất cả những đống đồ cũ ấy thành xe. Chúng tôi cắt thân xe loại trọng lượng 1,5 tấn, nối dài thêm hoặc cải tạo thành loại xe 2 tấn. Số nhân viên ngày một tăng dần, sau một năm từ 30 người đã tăng lên 80 người.
Doanh nghiệp sửa xe là doanh nghiệp thầu phụ, phải xuất trình dự toán kinh phí mới được ký hợp đồng và kinh phí chỉ được nhận một lần tại cơ quan hành chính. Một lần, tôi lên cơ quan hành chính để nhận tiền thì gặp các nhà thầu xây dựng cũng đến nhận tiền. Tôi nhận được một trăm won thì họ lãnh cả mấy ngàn won. Nhìn họ nhận tiền mà tôi hoa cả mắt. Cùng một khoảng thời gian và số nhân công như nhau, vậy mà tiền công ngành xây dựng nhận được so với ngành sửa chữa xe hơi quả là chênh lệch một trời một vực.
Thế là ngay lập tức tôi treo thêm tấm bảng “Công ty xây dựng cơ bản Hyundai” tại tòa nhà “Công ty công nghiệp xe hơi Hyundai” của mình. Đó là ngày 25 tháng 5 năm 1947.
Người bạn Oh In Bo và em rể tôi là Kim Yong Ju cứ liên tục can ngăn tôi và cho rằng tôi liều lĩnh vì chúng tôi chẳng có vốn cũng chẳng có kinh nghiệm, chỉ cần sơ suất một chút là mất tất cả. Tuy nhiên, tôi không hề nghĩ ngành xây dựng cơ bản là việc quá khó khăn. Tôi đã từng có kinh nghiệm lao động ở công trình xây dựng cơ bản, và cái gọi là “xây dựng cơ bản” thời đó chẳng qua là việc sửa chữa, xây dựng đắp vá, chẳng khác gì ngành sửa chữa ô tô, bởi vì nó cũng cần phải có dự toán kinh phí mới ký hợp đồng hoặc sửa chữa rồi mới nhận tiền.
Mỗi khi bắt đầu làm việc gì cũng vậy, tôi vẫn tuân theo nguyên tắc của mình là “tin tưởng 90 phần trăm việc sẽ thành” và “10 phần trăm tự tin mình nhất định làm được”, ngoài ra chẳng có một phần trăm lo lắng là công việc sẽ không thành.
Thời ấy, quân đội Mỹ cần trang bị gấp nhiều công trình nên có rất nhiều đơn đặt hàng về xây dựng cơ bản. Vì vậy, ngoài 15 công ty lớn hàng đầu, khoảng 300 doanh nghiệp loại nhỏ như chúng tôi cạnh tranh nhau gay gắt. Tôi thuê một người xuất thân là giáo viên trường côg nghiệp phụ trách kỹ thuật, rồi cùng 10 công nhân chen chân vào thị trường đông đúc này. Kết quả là năm đầu tiên, sau khi đặt được mối quan hệ với những người quản lý trong quân đội Mỹ, chúng tôi ký được hợp đồng sửa chữa với mức giá 1.530.000 won. Năm sau đó, tôi kết thúc cái cuộc sống làm thuê của công ty công nghiệp ô tô Hyundai, chuyển tới văn phòng hai gian ở tòa nhà Pionghwa.
Làm công trình xây dựng cơ bản tuy vất vả nhưng lợi nhuận nhiều. Năm 1948 – 1949, tuy chỉ duy trì được tên tuổi trong cái thị trường xây dựng mà những công ty loại một độc quyền, nhưng chúng tôi cũng dành được một điều quý giá, đó là sự tích lũy thêm uy tín và kinh nghiệm.
Tháng 1 năm 1950, tôi sáp nhập hai công ty xây dựng cơ bản Hyundai và công ty ô tô Hyundai. Tuy nhiên nửa năm sau, biến động 25 tháng 6 xảy ra.
——–
– Name: Thu mua phế liệu Tân Thành Minh
– Email: info@tanthanhminh.com
– Web: https://tanthanhminh.com
– Nội dung:
Mua phế liệu giá cao – Mua phế liệu đồng, nhôm, sắt, inox, thép, kim loại, và phế liệu các công trình xây dựng. Cam kết giá cao hơn thị trường, thu mua tận nơi, nhanh – uy tín.